Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

LỤC BÌNH QUÊ TA

Quê hương mình có biết bao loài hoa đồng cỏ nội đã từng làm ngây ngất lòng người, nhưng trong số các loài hoa dân dã đó có một loài hoa vừa trôi vừa nở, màu hoa tim tím, không phải màu tím hoa sim, cũng không giống như violette tím ngát trời chiều mà là một thứ tím ngan ngát do thiên nhiên hào phóng tặng riêng cho vùng sông nước.



Nước chảy liu riu

Lục bình trôi líu ríu

Anh thấy em nhỏ xíu anh thương…



Phải chăng câu ca dao đó đã nói lên thân phận của một kiếp hoa hèn cỏ dại chẳng ai đoái hoài, chỉ có những con tim đa cảm mới thấy lòng xao xuyến thương yêu! Nhà thơ Xuân Diệu đã có lần thương tiếc một loài hoa :

Biết bao hoa đẹp trong rừng thẳm

Đem gửi thân cho gió phũ phàng .



Đó là loài hương đồng cỏ nội, còn lục bình lại là loài hữu sắc vô hương thì tránh sao khỏi cảnh”Bèo giạt hoa trôi”. Lục bình, một loài cây thủy sinh trôi dạt khắp miền sông nước hoặc tấp thành dề dọc theo các kinh, rạch, sông, mương.



Lục bình trôi tới đâu, hoa nở tới đó. Đời hoa thầm lặng, không thích cao sang, cũng không ưa quyền quý, rực rỡ như mặt trời lên và se buồn khi hoàng hôn buông xuống. Hoa này tàn, hoa khác nở, cứ thay nhau trổ bốn mùa xuân hạ thu đông không bao giờ ngớt.



Lục bình sống hoang dại, bông lục bình lặng lẽ nở và lặng lẽ đẹp nên đời hoa đã đi vào văn thơ và đi vào tâm thức của những người xa xứ. Tuổi thơ chúng ta ai cũng hơn một lần ngắt hoa lục bình để làm trò chơi. Cỏ cây hoa lá bao giờ cũng gắn chặt với tình người. Kẻ ly hương mỗi lần đi ngang qua hàng dừa soi bóng hoặc những bờ tre xào xạc, nhứt là khi gặp hoa tím lục bình trôi man mác, lòng ai mà chẳng nhớ đến quê hương ? Tuy là một loài hoa dân dã quê mùa, an phận và khiêm tốn nhưng nó lại gần gũi và thân thiết với bà con nông dân hơn ai hết. Bước ra đồng là gặp lục bình, đi xuồng hoặc bơi lội trên sông chỗ nào cũng có lục bình. Nửa đêm chiến sĩ qua sông cũng nhờ lục bình che chở. Nhà thơ Viễn phương đã xúc động nhớ lại một thời khói lửa nhưng thật hào hùng, thật lãng mạn :

Ngày xưa bám rễ lục bình

Theo con sóng lượn rập rình qua sông.



Thân phận là một loài cây trôi nổi, phiêu bồng”Hoa trôi man mác biết là về đâu?” nhưng lại là một loài hoa đa dụng. Trong ẩm thực dân gian, hoa lục bình, cọng non lục bình chấm mắm, xào thịt, nấu canh chua cá lóc, ăn sống đều là những món ngon, hấp dẫn, hương vị đậm mùi quê hương. Đối với nông dân, lục bình còn là thức ăn cho heo, cho cá, làm mát gốc cây và lọc sạch nước ao hồ. Trong chiến tranh, bà con ta dùng rễ và đọt lục bình đâm nhuyễn để cầm máu rất công hiệu. Lục bình mọc thành dề dọc theo các bờ sông và kinh mương có thể che được sóng gió và giúp cho phù sa dễ bồi đắp.



Đặc biệt trong thời công nghiệp hóa cây lục bình bỗng chốc lại lên ngôi. Tại nhà vườn miền Tây và các làng hoa kiểng Sa Đét, Cái Mơn mỗi tháng tiêu thụ hàng tấn rễ lục bình phơi khô để chiết cây, tạo điều kiện cho hàng trăm gia đình gặp khó khăn trong mùa lũ có được công ăn việc làm. Gia đình của một anh nông dân ở Cái Mơn, mỗi ngày bơi xuồng đi cắt rễ lục bình đem về rữa sạch, phơi khô bán lại cho làng hoa kiểng Cái Mơn mỗi ngày kiếm khoảng 40. 000đ-50. 000đ, đủ trang trải cho gia đình.



Mấy năm gần đây, Vĩnh Long, Bến Tre và một số thành phố khác đã mở ra những cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ làm từ cây lục bình, đã thu hút hàng ngàn lao động từ khâu cắt, phơi khô cho đến việt chế biến thành phẩm . Đồng Tháp, Vĩnh Long , An Giang là nơi có nhiều vựa thu gom và thắc bính sợi lục bình để giao cho các cơ sở thủ công mỹ nghệ. Tại đầu kinh Vĩnh Tế, núi Sam Châu Đốc mỗi ngày thâu gom gần 10 tấn cọng lục bình tươi của hơn 40 lao động nghèo cắt giao từng bữa. Còn anh Phạm Văn Ngọc , một chủ vựa lớn nhất ở xã Bình Thạnh, Cao Lãnh_Đồng Tháp cho biết mỗi ngày anh thu mua trên 2 tấn với giá 150đ/kg , cứ 14 kg tươi phơi khô còn lại 1 ký bán ra được 3000đ/kg.



Đây là một việc nhẹ nhàng, không cần vốn liếng, có nơi người làm được lãnh tiền trước, giao hàng sau. Do vậy ngày càng thu hút nhiều lao động nhàn rỗi vào công việc khai thác lục bình.



Tuy là một kiếp hoa nhưng ở nơi này thì”phận bèo” còn ở nơi kia thì lại “cành vàng lá ngọc”. Từ lâu, ở Mỹ và Thái Lan người ta tuyển chọn những cây hoa thuột họ bèo để làm cảnh tại sân nhà, xếp ngang hàng với những loài kiêu sa đài các như Lan, cúc Huệ, Trà my , và quý trọng như sen, súng. Mãi cho đến đầu thế kỷ 21 này, chúng ta mới giải phóng cho loài thủy thực vật hoang dã này thoát khỏi phận thấp hèn. một thứ”bèo” trôi nổi không biết đâu là bến là bờ, nay đã có bến đậu.



Lục bình giờ đây , sao khi qua nhiều công đoạn chế biến và đến lượt những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Việt Nam nó đã trở thành những mặc hàng đọc đáo , những món quà lưu niệm xinh xắn đã làm cho các nước Âu mỹ phải ngạc nhiên và khâm phục. từ chiếc giỏ xinh xinh, chiếc võng mềm mại cho tới tấm thảm tấm nệm…đều chế biến bằng cây lục bình để đến với Hàn Quốc, Nhật và các thị trường EU.



Chúng ta vô cùng cám ơn những giồng sông đã che chở và bao dung cho lục bình sinh sôi nẩy nở suốt mấy trăm năm. Cám ơn các cơ sỡ thủ công mỹ nghệ và cám ơn những nghệ nhân có bàn tay khéo léo, tuyệt vời đã hóa thân cây lục bình thành những sản phẩm mỹ nghệ quý giá, góp phần làm giàu cho đất nước quê ta.

Không có nhận xét nào: