Thứ Năm, 15 tháng 1, 2009

MỘC MẠC LỤC BÌNH

Vươn cao và rực rỡ giữa một màu lá xanh lục, cái màu tím nhạt thật kiêu sa, tô điểm vài đốm vàng, những cánh hoa mềm mại lay động trong cơn gió nhè nhẹ chiều Thu trông quyến rũ một cách lạ thường. Tôi say đắm, ngẫn ngơ, thả hồn suy tư trôi nổi theo những cánh bông lục bình bên dòng sông Tiền mà thấy lòng thật nhẹ nhàng thanh thản. “Màu tím kiêu sa” mà tôi đã nghe đâu đó thật sự không đúng hẳn, những cành bông lục bình vươn cao khỏi mặt nước phù sa làm tôi không khỏi hình dung những cô thôn nữ mộc mạc của đồng bằng Nam Bộ, đẹp cái đẹp bình dị, đẹp cái đẹp thẹn thùng, trinh nguyên.

Như một đặc trưng, lục bình từ lâu đã gắn liền với cuộc sống người dân đồng bằng sông Cửu Long, mỗi độ nước lên, khi mà con nước thay màu phù sa thì cũng là lúc lục bình bắt đầu bồng bền trôi nổi theo con nước kéo về. Với tôi, lục bình còn mang đậm những kỷ niệm thời thơ ấu, những ngày chỉ biết chơi đùa hồn nhiên. Con hẻm nhỏ, khi nước lên thì chiếc cầu ván ngay cửa sau căn nhà gỗ, chỉ bước xuống vài bậc thang là có thể vớt những chùm lục bình trên con kinh Vĩnh An. Ngày ấy, chỉ biết lấy những cọng lục bình căng tròn làm bánh mì, cắt lá lục bình nhỏ làm rau, chơi nhà chòi. Ngày nay, lục bình còn như một món quà cho dân đồng bằng sông Cửu Long, lục bình được dùng làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ra nước ngoài, mang lại một số việc làm và thu nhập cho dân địa phương.

Cho dù đi đến đâu, làm gì, tôi vẫn luôn hãnh diện vì mình là một người dân Nam Bộ vốn dĩ mộc mạc, bình dị, bình dị trong cách sống, cách ăn, cách nói. Hơn cả hãnh diện, phải nói là tự hào với bao trù phú trời cho cái vùng đất Nam Bộ này như là vựa lúa nuôi cả nước. Những ngày nước lũ về không làm ruộng được thì cá tôm đổ về đầy đồng, dân địa phương ai cũng có xuồng để đi bắt cá, bắt tôm. Nếu bạn là dân Tân Châu thì không thể quên những mẻ lưới cá linh nặng hàng tấn, không thể quên ao đìa đặc sệt chen chút bùn và cá sau mùa nước nổi. Và bao thứ khác như “lờ”, “nôm”, “chà”, “lợp”, “kéo bò”… , những cành bông điên điển nặng trĩu, bông súng, rau dừa, rau nhút đầy đồng. Những tên gọi, những công việc tưởng chừng quá bình thường, quá dân dã đến nổi quê mùa, cái quê mùa đã nuôi sống, làm trưởng thành bao người con để rồi lớn lên và ra đi từ đây.

Dòng Tiền Giang vẫn cuồn cuộn chảy mang về bao sức sống, có lúc hung dữ nhận chìm cả vùng đất Nam Bộ. Nhưng những chùm lục bình vẫn xanh tươi trôi dạt trên đầu con nước không bao giờ bị nhấn chìm. Hình ảnh những chùm lục bình trên đầu con nước như sức sống mãnh liệt vượt khó của dân Nam Bộ, dù có trôi dạt tới đâu cũng cố vươn cao, vẫn xanh tươi với những cánh bông rực rỡ một màu không đổi thay. Tôi vẫn yêu cái màu tím nhẹ nhàng của cành bông lục bình như yêu quê hương Nam Bộ, yêu nơi mà tôi đã có quá nhiều kỷ niệm gắn bó những ngày thơ ấu, yêu con sông Tiền mỗi ngày tắm mát, yêu hạt gạo trắng, nước trong như còn lắng đọng trong xương, trong thịt.

Buổi chiều chầm chậm trôi, chầm chậm như chiếc phà Chợ Vàm rời bến. Còn gì buồn hơn cái cảm giác xa dần dòng sông Tiền một buổi chiều nhạt nắng, xa dần dòng sông mà tôi đã ngụp lặn mà lớn lên. Cái cảm giác xa quê, những bước chân nặng nề, một tâm hồn bâng khuâng và biết bao vướng bận, suy tư. Cái cảm giác vô cùng khó tả, sự khác biệt vô cùng với ngày về khi đến bờ bên kia An Hoà qua Chợ Vàm, và chiều nay, rời bến Chợ Vàm sang An Hoà để lại bắt đầu một chuyến xa quê, trở về với cuộc sống tất bật thường ngày.

Tiếng bọn trẻ nô đùa bên bờ An Hoà làm tôi chợt tỉnh, bọn trẻ thật hồn nhiên, vô tư ngụp lặn trong dòng nước phù sa. Tôi thèm khát đến mơ ước, cái mơ ước đến nỗi ganh tị với bọn trẻ. Và tôi biết rằng bọn trẻ có rất nhiều những gì mình không có, những thứ mình đã mãi mãi xa rời. Tôi đang xa rời vùng đất tôi được sinh ra và lớn lên những ngày thơ ấu, xa rời bao nhiêu là kỷ niệm đẹp nhất đời mình, mà những kỷ niệm đẹp nhất đời mình vẫn mãi là nơi đây, quê hương tôi, vùng sông nước Cửu Long.

Không có nhận xét nào: