Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

THƠ VỀ HOA LỤC BÌNH

Em như hoa Lục bình trôi,
Giữa dòng ai vớt, giữa đời ai mang?
Sông sâu bao chuyến đò ngang,
Hoa trôi theo nước, đò ngang mặc đò.

Em nhìn đôi mắt thẫn thờ,
Người vô tình...Với hững hờ bước đi.
Lục bình trôi mãi mà chi,
Như em trôi giữa lối đi một mình?

2.
Tôi yêu màu tím của hoa
Tôi yêu , yêu đến xót xa cả hồn
Bên sông , mỗi buổi hoàng hôn
Lặng nhìn hoa nở , lòng buồn vu vơ
Hoa này tím mộng , tím mơ
Màu trong thương nhớ , đợi chờ , thủy chung
Mơ màng hoa tím trên sông
Trôi về đâu giữa mênh mông đất trời …

3.
Tôi buồn tím cánh lục bình
Thương hoa buồn cũng như mình xót xa
Xa xa ngắm mãi đài hoa
sao lòng thương quá ai xa xa rồi
Nhìn hoa tím lịm bờ môi
Đắng lên khoé mắt giọt đời chua cay
Sương mai tím động hình hài
Lục bình trôi mãi cho dài nhớ thương.

4.

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2009

CÁC KIỂU CHỮ TRONG THƯ PHÁP VIỆT

Ngày đăng: 26/10/09 - 08:21


Nếu ta nhìn kỹ chữ “Mẹ” của Chính Văn, ta sẽ thấy hình dáng người mẹ tóc dài xõa lưng dang tay đỡ một đứa bé, đứa bé này nằm co lại như còn trong bụng mẹ…


Ở Việt Nam thưở xưa, vào mỗi dịp Xuân về, người dân hay đến nhà những “Thầy Ðồ” hoặc những người “hay chữ” để xin chữ về treo như một bức tranh, một món đồ trang trí và cũng như một món ăn tinh thần. Thầy đồ hay người hay chữ cho chữ bằng cách viết một hay nhiều chữ trên một tờ giấy lớn, với nội dung mang tính cách chúc tụng hay giáo dục, nét chữ thường được khen là đẹp như “rồng bay phượng múa”. Lối viết như vậy được gọi là Thư pháp. Thư pháp là phương pháp viết chữ (đẹp).



Ðối với người phương Tây, Thư pháp được thực hiện bằng nhiều phương tiện: bút sắt, cọ, thước, compa, êke... Con chữ được nắn nót theo chuẩn mực và tỷ lệ. Ðó là cái đẹp của các con chữ theo thị giác người sử dụng hệ chữ La tinh.



Ðối với người phương Ðông, nói đến môn Thư pháp người ta thường nghĩ đến cách viết chữ Hán với phong cách đặc biệt... Với cây bút lông, mực và giấy, người Trung Hoa đã đưa nghệ thuật viết chữ vươn lên đỉnh cao với lý thuyết phong phú, mang tính triết học, thiền học.


Ở Việt Nam vào thời điểm này, có lẽ ngoại trừ một số người lớn tuổi uyên bác về chữ Nho mới đọc được chữ Hán, chữ Nôm, còn hầu hết là không đọc được.


Bởi vậy tại sao ta không viết Thư pháp bằng tiếng Việt? Viết chữ Việt cũng đẹp vậy, bởi vì sao giải thích được: “Sao là đẹp? Sao là không đẹp?” (KTS Nguyễn Thanh Sơn).

“Biết đâu cái gọi là đẹp đối với ta, chắc gì gọi là đẹp đối với kẻ khác!... Biết đâu cái gọi là đẹp đối với ta bây giờ chắc gì gọi là đẹp đối với ta sau này?” (Trang Tử).



Theo các bậc khoa giáp thời xưa, việc chọn một câu văn, một bài thơ để viết lên trang giấy là việc cần hết sức cẩn trọng. Vì ngoài việc thể hiện nét bút tài hoa, năng khiếu viết chữ; nội dung một bức Thư pháp còn cho thấy tư tưởng, kiến thức, tâm hồn của người viết. Khi cầm bút, ngoài thể hiện những đường nét rồng bay phượng múa, các Thư pháp gia còn phải "nhiếp tâm" với những gì mình sắp sửa viết ra.


Trong Thư pháp Việt hiện nay, có 5 kiểu chữ chính:


Chữ Chân Phương:

Tạm gọi là Chân Tự, là cách viết rõ ràng dễ đọc, rất giống chữ thường.





Chữ Cách Điệu:

Tạm gọi là Biến Tự, là cách viết biến đổi từ chữ Chân Phương mà ra, nhưng các chữ cái hơi được biến dạng một chút để tạo ra lối viết riêng của mình.





Chữ Cá Biệt:

Tạm gọi là Cuồng Thảo, là lối viết Thư pháp mà người phóng bút “nhiếp tâm” giữa tư tưởng và quản bút. Lối viết chữ này thể hiện cá tính của người viết, nhìn vào kiểu chữ này người xem dễ nhận biết tác giả mà không cần phải xem bút ký. Kiểu chữ này thường viết liền lạc trong một nét nên khó đọc.





Chữ Mô Phỏng:

Là lối viết mô phỏng dựa theo kiểu chữ của nước ngoài. Có người viết chữ Việt nhìn vào ngỡ chữ Tàu, hay chữ Ả Rập, chữ Miên, v.v...





Chữ Mộc Bản:

Là kiểu chữ giống như chữ khắc trên mộc, hoặc như kiểu thợ sắp chữ của nhà in, mà khi viết thì theo một phương pháp đảo lộn, khi xem phải dùng gương phản chiếu. Nhìn vào chữ có dạng Hán - Nôm nhưng đó lại là chữ Việt viết ngược.





Ngoài ra, trong một số tranh Thư pháp còn có hình ảnh minh họa về thiên nhiên, trong đó phần tranh có thể chiếm khoảng không gian lớn hơn phần chữ. Với đặc trưng này Thư pháp trở thành Thư họa.





Trong những Thư pháp gia, có nhiều người là họa sĩ, họ thường biến chữ thành tranh, tranh là hình ảnh của chữ. Lối viết này rất khó. Dưới đây là một số dẫn chứng:



Ta có thể hình dung ra khuôn mặt của Ðức Phật



Chữ "Phật" của Trần Bá Linh



Chữ "Mẹ" của Chính Văn



Nếu ta nhìn kỹ chữ “Mẹ” của Chính Văn, ta có thể thấy hình dáng người mẹ tóc dài xõa lưng, đang dang tay đỡ một đứa bé, đứa bé này nằm co lại như còn trong bụng mẹ.



Một tín hiệu đáng mừng là phong trào viết Thư pháp bằng chữ Việt đã được khôi phục mạnh mẽ trong thời gian qua. Đã có nhiều Câu Lạc Bộ Thư pháp Việt được thành lập, nhiều cuộc triển lãm Thư pháp đã diễn ra và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều người, trong đó có không ít các bạn trẻ.



PV tổng hợp

(Nguồn: nguyentl.free.fr)

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

LỤC BÌNH QUÊ TA

Quê hương mình có biết bao loài hoa đồng cỏ nội đã từng làm ngây ngất lòng người, nhưng trong số các loài hoa dân dã đó có một loài hoa vừa trôi vừa nở, màu hoa tim tím, không phải màu tím hoa sim, cũng không giống như violette tím ngát trời chiều mà là một thứ tím ngan ngát do thiên nhiên hào phóng tặng riêng cho vùng sông nước.



Nước chảy liu riu

Lục bình trôi líu ríu

Anh thấy em nhỏ xíu anh thương…



Phải chăng câu ca dao đó đã nói lên thân phận của một kiếp hoa hèn cỏ dại chẳng ai đoái hoài, chỉ có những con tim đa cảm mới thấy lòng xao xuyến thương yêu! Nhà thơ Xuân Diệu đã có lần thương tiếc một loài hoa :

Biết bao hoa đẹp trong rừng thẳm

Đem gửi thân cho gió phũ phàng .



Đó là loài hương đồng cỏ nội, còn lục bình lại là loài hữu sắc vô hương thì tránh sao khỏi cảnh”Bèo giạt hoa trôi”. Lục bình, một loài cây thủy sinh trôi dạt khắp miền sông nước hoặc tấp thành dề dọc theo các kinh, rạch, sông, mương.



Lục bình trôi tới đâu, hoa nở tới đó. Đời hoa thầm lặng, không thích cao sang, cũng không ưa quyền quý, rực rỡ như mặt trời lên và se buồn khi hoàng hôn buông xuống. Hoa này tàn, hoa khác nở, cứ thay nhau trổ bốn mùa xuân hạ thu đông không bao giờ ngớt.



Lục bình sống hoang dại, bông lục bình lặng lẽ nở và lặng lẽ đẹp nên đời hoa đã đi vào văn thơ và đi vào tâm thức của những người xa xứ. Tuổi thơ chúng ta ai cũng hơn một lần ngắt hoa lục bình để làm trò chơi. Cỏ cây hoa lá bao giờ cũng gắn chặt với tình người. Kẻ ly hương mỗi lần đi ngang qua hàng dừa soi bóng hoặc những bờ tre xào xạc, nhứt là khi gặp hoa tím lục bình trôi man mác, lòng ai mà chẳng nhớ đến quê hương ? Tuy là một loài hoa dân dã quê mùa, an phận và khiêm tốn nhưng nó lại gần gũi và thân thiết với bà con nông dân hơn ai hết. Bước ra đồng là gặp lục bình, đi xuồng hoặc bơi lội trên sông chỗ nào cũng có lục bình. Nửa đêm chiến sĩ qua sông cũng nhờ lục bình che chở. Nhà thơ Viễn phương đã xúc động nhớ lại một thời khói lửa nhưng thật hào hùng, thật lãng mạn :

Ngày xưa bám rễ lục bình

Theo con sóng lượn rập rình qua sông.



Thân phận là một loài cây trôi nổi, phiêu bồng”Hoa trôi man mác biết là về đâu?” nhưng lại là một loài hoa đa dụng. Trong ẩm thực dân gian, hoa lục bình, cọng non lục bình chấm mắm, xào thịt, nấu canh chua cá lóc, ăn sống đều là những món ngon, hấp dẫn, hương vị đậm mùi quê hương. Đối với nông dân, lục bình còn là thức ăn cho heo, cho cá, làm mát gốc cây và lọc sạch nước ao hồ. Trong chiến tranh, bà con ta dùng rễ và đọt lục bình đâm nhuyễn để cầm máu rất công hiệu. Lục bình mọc thành dề dọc theo các bờ sông và kinh mương có thể che được sóng gió và giúp cho phù sa dễ bồi đắp.



Đặc biệt trong thời công nghiệp hóa cây lục bình bỗng chốc lại lên ngôi. Tại nhà vườn miền Tây và các làng hoa kiểng Sa Đét, Cái Mơn mỗi tháng tiêu thụ hàng tấn rễ lục bình phơi khô để chiết cây, tạo điều kiện cho hàng trăm gia đình gặp khó khăn trong mùa lũ có được công ăn việc làm. Gia đình của một anh nông dân ở Cái Mơn, mỗi ngày bơi xuồng đi cắt rễ lục bình đem về rữa sạch, phơi khô bán lại cho làng hoa kiểng Cái Mơn mỗi ngày kiếm khoảng 40. 000đ-50. 000đ, đủ trang trải cho gia đình.



Mấy năm gần đây, Vĩnh Long, Bến Tre và một số thành phố khác đã mở ra những cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ làm từ cây lục bình, đã thu hút hàng ngàn lao động từ khâu cắt, phơi khô cho đến việt chế biến thành phẩm . Đồng Tháp, Vĩnh Long , An Giang là nơi có nhiều vựa thu gom và thắc bính sợi lục bình để giao cho các cơ sở thủ công mỹ nghệ. Tại đầu kinh Vĩnh Tế, núi Sam Châu Đốc mỗi ngày thâu gom gần 10 tấn cọng lục bình tươi của hơn 40 lao động nghèo cắt giao từng bữa. Còn anh Phạm Văn Ngọc , một chủ vựa lớn nhất ở xã Bình Thạnh, Cao Lãnh_Đồng Tháp cho biết mỗi ngày anh thu mua trên 2 tấn với giá 150đ/kg , cứ 14 kg tươi phơi khô còn lại 1 ký bán ra được 3000đ/kg.



Đây là một việc nhẹ nhàng, không cần vốn liếng, có nơi người làm được lãnh tiền trước, giao hàng sau. Do vậy ngày càng thu hút nhiều lao động nhàn rỗi vào công việc khai thác lục bình.



Tuy là một kiếp hoa nhưng ở nơi này thì”phận bèo” còn ở nơi kia thì lại “cành vàng lá ngọc”. Từ lâu, ở Mỹ và Thái Lan người ta tuyển chọn những cây hoa thuột họ bèo để làm cảnh tại sân nhà, xếp ngang hàng với những loài kiêu sa đài các như Lan, cúc Huệ, Trà my , và quý trọng như sen, súng. Mãi cho đến đầu thế kỷ 21 này, chúng ta mới giải phóng cho loài thủy thực vật hoang dã này thoát khỏi phận thấp hèn. một thứ”bèo” trôi nổi không biết đâu là bến là bờ, nay đã có bến đậu.



Lục bình giờ đây , sao khi qua nhiều công đoạn chế biến và đến lượt những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Việt Nam nó đã trở thành những mặc hàng đọc đáo , những món quà lưu niệm xinh xắn đã làm cho các nước Âu mỹ phải ngạc nhiên và khâm phục. từ chiếc giỏ xinh xinh, chiếc võng mềm mại cho tới tấm thảm tấm nệm…đều chế biến bằng cây lục bình để đến với Hàn Quốc, Nhật và các thị trường EU.



Chúng ta vô cùng cám ơn những giồng sông đã che chở và bao dung cho lục bình sinh sôi nẩy nở suốt mấy trăm năm. Cám ơn các cơ sỡ thủ công mỹ nghệ và cám ơn những nghệ nhân có bàn tay khéo léo, tuyệt vời đã hóa thân cây lục bình thành những sản phẩm mỹ nghệ quý giá, góp phần làm giàu cho đất nước quê ta.

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2009

XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH TỪ NHỮNG BỮA CƠM

Nói đến hạnh phúc gia đình chúng ta thường mô tả bằng những từ thật đẹp đẽ và được thể hiện qua những giá trị đạo đức rất đáng trân trọng như tình yêu, lòng chung thuỷ, tình nghĩa vợ chồng, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, sự quý trọng, hiếu đễ của con cháu với cha mẹ, ông bà... Điều đó là đúng, nhưng đồng thời hạnh phúc gia đình cũng được thể hiện qua những việc làm nho nhỏ trong cách ứng xử, đối xử giữa các thành viên, qua những nét sinh hoạt cụ thể, diễn ra hàng ngày trong đời thường, như ăn uống, nghỉ ngơi, chuyện trò, vui chơi của gia đình. Vì vậy, chúng ta không thể xem nhẹ ý nghĩa của bữa cơm hàng ngày đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Ông cha ta thường nói bữa cơm gia đình đơn sơ, đạm bạc nhưng cơm dẻo canh ngọt, mùa hè có bát canh rau cải ngọt ăn với vài miếng đậu phụ sao mà ngon thế? Mùa đông thì cơm nóng canh sốt, tuy chẳng phải là cao hương mỹ vị nhưng thật phù hợp với yêu cầu của các thành viên. Vì Sao vậy? Bởi vì bữa cơm tuy không có nhiều món ăn cầu kỳ đắt tiền, nhưng thường người nấu ăn, trước hết là người vợ, người mẹ luôn quan tâm đến sở thích của chồng con: con nhỏ thích ăn trứng rán, chồng thích vài miếng thịt luộc ăn với đĩa dưa chua, bát canh riêu cá nấu dấm chua. Mùa hè, cả nhà thích ăn đậu phụ với rau muống luộc, có bát canh đánh dấm chua, chấm với nước mắm chanh, ớt, tỏi... Thỉnh thoảng cả nhà mới có bữa ăn "cải thiện", giò chả cho trẻ con, hay nem rán, thịt quay cho người lớn... Như vậy bữa ăn gia đình trước hết là phù hợp với khẩu vị từng người, từng gia đình, tuy có chiếu cố đến số đông, nhưng không quên có thành viên không thích ăn món này, món kia, để chú ý cho họ có cái gì ăn phù hợp. Ăn bữa cơm, mỗi người được thoả mãn nhu cầu vật chất của mình thấy vui vẻ, phấn chân, ăn ngon, ăn no, và rất thoải mái trong khi ăn, thích ăn gì thì gắp, tự do lựa chọn, không phải khách sáo. Đồng thời, qua bữa cơm lại giáo dục cho mỗi thành viên, đặc biệt là trẻ em, biết nhường nhịn, có miếng gì ngon cần chú ý để phần cho người khác, không dành lấy ăn hết. Đó là cách giáo dục cụ thể, thiết thực, đời thường, về ý thức san sẻ vui thú hay khổ đau giữa anh em trong gia đình rồi sau toả rộng ra ngoài xã hội, cộng đồng. Bữa cơm là dịp cả gia đình đoàn tụ sau một ngày sống xa nhau, người lớn làm việc, trẻ em đi học. Hiện nay, có nhiều gia đình, buổi trưa cha mẹ ăn ở cơ quan, con lại ăn ở lớp học bán trú. Cả ngày chỉ đến buổi tối cả gia đình mới lại gặp nhau ở bữa ăn, chuyện trò hàn huyên, thông tin cho nhau về những sự kiện diễn ra trong ngày: con cái đi học điểm bài ra sao, bố mẹ ở cơ quan xí nghiệp có chuyện gì đáng lưu ý... Tất nhiên, lúc ăn nên nói để tránh quá ồn ào, nói bắn hạt cơm sang người bên cạnh... Nhưng rõ ràng bắt đầu bữa cơm là chuyện trò rộn rã và sau bữa cơm lại những câu chuyện dài hơn. Rồi sau đó con cái đi học bài, đi ngủ sớm, bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, tắm giặt, xem ti vi mỗi người một việc. Do vậy, nếu không có những phút tụ tập cả gia đình xung quanh mâm cơm thì họ chẳng còn lúc nào gặp đủ mặt nhau để hàn huyên. Cũng vì vậy đến bữa ăn, khi thiếu một thành viên nào, mọi người đều nhắc nhở, hỏi thăm lý do vì sao chưa về ăn cơm...Bữa cơm ăn tại gia đình khác ăn ở khách sạn, hàng quán, nơi đó sang trọng hơn, đẹp đẽ hơn, nhưng tại gia đình trong khung cảnh sống quen thuộc, gần gũi, với cách nấu ăn, món ăn quen thuộc lại tạo nên sự ấm cúng đặc biệt. Hạnh phúc gia đình được xây dựng đơn gián như vậy đó! Nhưng để có được hạnh phúc đơn giản ấy, thì người chủ gia đình, đặc biệt người phụ nữ, cần chăm lo cho bữa ăn có ý nghĩa thật sự. Những món ăn không phải cầu kỳ, nhưng cách chọn, cách nấu cần phù hợp với sở thích các thành viên, vừa với túi tiền gia đình, vừa sạch sẽ, ngon lành (nghệ thuật nấu ăn rất có ý nghĩa ở đây, kể cả có chút tài khéo léo bày biện trông đẹp mắt, ngon miệng, không quá xô bồ, thô kệch), biết đổi món ăn cho phù hợp với thời tiết nóng, lạnh. Không chỉ chú ý đến sở thích của các thành viên mà quan tâm lưu ý đến sức khoẻ từng người, gặp lúc ốm đau, mệt mỏi, đau bụng, tiêu hoá không tốt... để mỗi thành viên ngồi vào mâm cơm thấy có thể ăn một chút gì đó dù ốm đau (cháo, mì cho người ốm...) khiến họ rất cảm kích trước sự chăm nom, săn sóc của gia đình, đặc biệt của người vợ, người mẹ.Tổ chức tốt bữa ăn thường ngày trong gia đình không chỉ là cung cấp năng lượng vật chất cần thiết cho sự sinh tồn của các thành viên, bồi dưỡng sức khoẻ cho họ mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần tâm lý, tình cảm sâu sắc. Đó là sự quan tâm đến tâm trạng vui buồn của mỗi cá nhân, là vun đắp những mối quan hệ tình cảm ấm áp giữa các thành viên. Đó cũng chính là hạnh phúc gia đình đơn sơ, mộc mạc những lại đáng quý biết bao!
Theo Tạp chí Tâm lý học

BÍ QUYẾT NÓI CHUYỆN TRƯỚC ĐÁM ĐÔNG

Phần lớn mọi người xem việc phải nói chuyện trước đám đông là nỗi sợ hãi kinh khủng nhất. Nỗi sợ đó còn hơn cả sợ rắn, sợ đi máy bay, hoặc ngay cả sợ cái chết. Nhưng chúng ta không thể trốn tránh nó mãi. Nhiều người trong chúng ta có thể được mời ra trình bày một báo cáo, phát biểu trong buổi họp phụ huynh học sinh, nói lời chúc mừng trong lễ cưới. Làm sao để bạn có thể vượt qua những thử thách đó. Thật đơn giản chỉ với một chút thời gian luyện tập. - Quy tắc quan trọng nhất trong việc nói chuyện trước đám đông là bạn phải biết mình nói gì. Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng thông thường các “diễn giả” không hề có một ý niệm rõ ràng về những gì họ truyền đạt đến người nghe. Bạn cần phải biết chính xác bạn sẽ đưa người nghe đến đâu. Một khi đã biết, hãy liệt kê nó thành 3 hay 4 điểm chính và soạn bài nói của mình tập trung vào những điểm này thôi. Bạn không phải là một cuốn từ điển sống, việc đưa ra quá nhiều thông tin hay không đủ thông tin cũng đều dở như nhau. - Thực hành, nhưng không cần quá nhiều: Liệt kê ra những gì bạn sẽ nói và tập nói 1 hay 2 lần. Sẽ rất hay nếu như bạn canh thời gian trong khi tập, việc đó sẽ giúp bạn kiểm soát được thời gian nói mà không sợ bị lố. Có thể sẽ có những phút ngẫu hứng tình cờ xảy ra làm bạn bất ngờ và làm khán giả thích thú. Bạn sẽ không còn muốn xuất hiện trước đám đông nếu bạn đã nói về một đề tài cả ngàn lần rồi, bạn sẽ cảm thấy chán và chẳng thèm để ý tới khán giả nữa. Bạn cũng nên lập kế hoạch sẽ mặc những gì. Chú ý rằng đó phải là bộ đồ mà bạn cảm thấy thoải mái khi mặc vào. Và điều quan trọng nhất, đó phải là bộ đồ mà bạn biết sẽ làm mình nổi bật. Quyết định trước việc mình sẽ mặc gì trong ngày diễn thuyết sẽ làm bạn bớt lo lắng hơn.- Hãy là chính mình! Nhiều người cảm thấy cần phải rập khuôn theo phong cách của ai đó khi nói trước đám đông, đó là vì họ cảm thấy họ không đủ tự tin để lôi cuốn sự chú ý của khán giả. Một số cảm thấy bị “khớp” và nghiêm túc quá mức và quên rằng tính hài hước cũng là một công cụ quan trọng của diễn giả. Đừng nên chỉ tập trung vào vấn đề chính, đôi khi những giai thoại cá nhân hay những mẩu chuyện nhỏ cũng là một cách rất tốt để hòa nhập với khán giả. - Khán giả là bạn bè! Khán giả luôn ở đó, bởi vì họ quan tâm tới những gì bạn sẽ nói và muốn nghe bạn nói về vấn đề đó. Họ muốn bạn phải làm tốt. Đừng nghĩ khán giả như là một khối người thù địch, hãy xem họ chỉ là một nhóm cá nhân riêng lẻ. Hãy cố gắng nhìn vào một ai đó một lúc. Khi nói chuyện với khán giả, tiếp thu những ý kiến phản hồi của họ để hoàn thành bài nói chuyện của mình. - Bạn sẽ vượt qua thôi mà! Tôi chưa bao giờ từng nghe thấy có ai chết trên bục diễn thuyết cả. Bạn cũng không bị thở dốc, hụt hơi, quên mất tên mình hay bị nổi nóng. Đấy là những chuyện gây ám ảnh cho bất cứ ai phải đứng trước đám đông. Người ta gọi đó là cơn ác mộng của diễn viên. Việc đó hoàn toàn bình thường. Sử dụng một số kỹ thuật thư giãn trước khi bắt đầu. Bạn có thể tìm một nơi để nhảy lên nhảy xuống hoặc dậm chân thật manh, điều này sẽ giúp bạn cảm thấy vững vàng và giảm bớt căng thẳng. Lắc bàn tay và co duỗi nắm tay. Điều này sẽ làm tay bạn bớt run. Nếu run tay thực sự là một vấn đề thì hãy nắm lấy một tấm danh thiếp hay nắm vào bục diễn thuyết khi nói chyện. Lè lưỡi ra, trợn mắt và há miệng to hết cỡ, sau đó nhăn tít mặt lại. Việc này sẽ làn thư giãn các cơ mặt của bạn. Hít thật sâu và thở mạnh ra tiếng để làm ấm giọng của bạn. Tưởng tượng như bạn đang ở trên một đám mây, không gì có thể làm hại đến bạn khi bạn đang ở trong đó. Hãy cố gắng giữ hình ảnh ấy trong đầu khi bạn đang đứng trên diễn đàn. Sẽ trở nên dễ dàng hơn! Nói chuyện trước công chúng càng nhiều, việc đó càng trở nên dễ dàng hơn. Có khi bạn còn cảm thấy thích nữa ấy chứ!

KỸ NĂNG NÓI CHUYỆN TRƯỚC CÔNG CHÚNG

1. Đặt vấn đề: Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, cùng với các loại hình truyền thông khác, "môn nói" ngày càng đóng vai tró tích cực. Muốn thuyết phục các bạn trẻ và công chúng nói chung, muốn truyền đạt các quan điểm đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, chủ trương công tác của Đoàn, Hội, mỗi cán bộ Đoàn trường học bên cạnh việc biết viết và biết tổ chức các họat động, cần phải biết nói, hơn nữa cần biết nói hay, nói giỏi. Nói trước công chúng là một nghệ thuật có những qui tắc riêng. Biết tuân thủ những qui tắc ấy và kiên trì tập luyện thì ai cũng có thể thu được kết qủa mong muốn. Nói trước công chúng có nhiều hình thức khác nhau: + Phát biểu ý kiến ngắn trước tập thể. + Tranh luận, thảo luận. + Trình bày nội dung của một văn kiện, một chủ trương công tác. + Nói chuyện thời sự, nói chuyện chuyên đề. + Giảng bài... Tuy nhiên, về mục đích thì lại thống nhất. Ai cũng muốn làm cho người khác hiểu ý mình, đồng ý tán thành ý kiến của mình, chăm chú lắng nghe và khen ngợi mình về sự sâu sắc của nội dung, về tài thuyết khách, tài hùng biện, khả năng dí dỏm, tính trí tuệ, tính lôgic, hệ thống của bài nói, bài phát biểu... Dưới đây là một hệ thống các qui tắc, đòi hỏi mỗi cán bộ Đoàn, Hội muốn thành công, muốn nâng cao tay nghề trong việc thu phục các bạn trẻ qua ngôn ngữ Nói, cần phải cố công rèn luyện và tuân thủ. 2. Những qui tắc mang tính kỹ năng: Qui tắc 1: Rèn luyện sự tự tin vào chính bản thân mình. Tự mình phán xét hay nhờ bạn thân nhận xét về khả năng thầm kín của bạn. Tăng cường quan hệ với những người tin bạn, tin ở sự thành công, tránh xa những kẻ hoài nghi, dèm pha. + Tập nói thường xuyên, lúc đầu nói ít, nói ngắn, sau quen dần sẽ nói nhiều hơn trong khoảng thời gian dài hơn. + Nhớ kỹ câu này:" Tập đi rồi hãy tập chạy". Thành công được một vài lần, sau rất dễ thành công. + Tìm thêm động lực bằng sự khích lệ của bạn bè. + Luôn luôn yêu cái thật, cái đẹp, cái tốt. + Nhớ rằng người nghe vốn sẵn có thiện cảm với diễn giải. + Đừng để ý nhiều dến dư luận. Biết dư luận để sửa các khuyết tật của mình là cần thiết, song từ đó lại kém tự tin, rụt rè thì rất có hại. Nên hiểu rằng: dư luận cũng có khi sai, chân lí không phải bao giờ cũng thuộc về số đông. Qui tắc 2: Cần tuân thủ các bước khi chuẩn bị bài nói (diễn văn, bài nói chuyện, chuyên đề...): + Chọn đề tài mà bạn thấy thích thú và muốn nói trước công chúng. + Luôn nhớ tính nhất quán của vấn đề định trình bày, tìm mọi cách để đạt tới mục tiêu chính của đề tài. + Lập đề cương sơ bộ, bao gồm những ý chính cần nói. + Tìm ý phụ và các tư liệu bằng cách trả lời bảy câu hỏi sau đây: Ai? Cái gì? Ở đâu? Bằng cách nào? Tại sao? Ra sao? Khi nào? + Ghi chép ngay những ý mới xuất hiện trong đầu bạn. + Sắp xếp các ý một cách rõ ràng, rành mạch. + Lựa chọn nhiều chứng cớ, thí dụ minh họa cho sinh động. + Phải biết tự hạn chế. Khi nào bỏ đi năm, sáu ý, chỉ giữ lại ba bốn ý mà không thấy tiếc thì bài nói của bạn mới có hy vọng hấp dẫn người nghe. -Sắp xếp các ý phụ theo bố cục của các ý chính và có mối liên hệ tự nhiên với nhau. Qui tắc 3: Rèn luyện trí nhớ. Soạn xong đề cương bài nói chuyện, bạn cần nhẩm lại, tốt nhất là trong khung cảnh thiên nhiên (vườn hoa, công viên, bờ hồ...) Lập đi lập lại bài diễn văn trong khi đợi xe, hay đi dạo chơi... có thể nói thành tiếng trong phòng riêng. Cố gắng không viết lại toàn bộ bài diễn văn, nếu phải viết thì không nên học thuộc lòng. Chỉ nên ghi lại những ý dễ quên qua các lần lặp lại. Muốn nhớ được lâu cần phải: + Tập chú ý nhận xét tinh tế sâu sắc. + Tìm các ý độc đáo, khác thường. + Lật đi lật lại vấn đề. + Công thức hóa các ý. Ví dụ: Công thức đưa đất nước tiến lên ở các nước phát triển, dựa vào tiềm năng của lớp trẻ: 3 chữ I( Imitate, Intiative, Innovation) nghĩa là bắt chước, cải tiến và cải tổ. Công thức 5 chữ M do các nhà giáo dục học thế giới tổng kết trong việc định hướng giáo dục thanh thiếu nhi (Man, Machine, Manager, Money, Marketing) nghĩa là trong thời đại ngày nay cần tạo điều kiện để lớp trẻ tự khẳng định mình, tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, trở thành người tự tổ chưc cuộc sống của chính mình, biết kiếm tiền một cách chính đáng và dùng tiền hợp lý, biết tiếp cận với thị trường, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Qui tắc 4:Vạn sự khởi đầu nan. Khúc dạo đầu là hết sức quan trọng. Bạn phải người nge chú ý tới bạn, có thiện cảm với bạn ngay từ đầu buổi nói chuyện qua phong thái tự tin, cởi mở và chân thành. Hết sức tránh thái độ trịnh trọng giả tạo và suồng sã quá mức. Những điều nên tránh: + Nếu bạn không có tài khôi hài thì đừng cố làm cho người nghe cười. Bạn sẽ thất bại. + Đừng dùng lời lẽ sáo rỗng để vào đề. + Không mở đầu bằng 1 lời xin lỗi giả dối.- Những phương pháp vào đề cụ thể nên áp dụng + Mở đầu bằng 1 câu chuyện (chuyện cổ tích, chuyện đời thường . . . ) + Dẫn lời một danh nhân nào đó, dẫn tục ngữ, ca dao . . . + Đặt 1 số câu hơi xoay quanh đề tài. + Làm 1 điệu bộ gì khác thường hoặc trình bày sự thực dưới một hình thức mới mẻ. + Tự giới thiệu mình với những người nghe chưa quen biết. Quy tắc 5: "Diễn giảng là làm sống lại một đề tài" Lời lẽ phải rõ ràng, sáng ý, có mối liên hệ tự nhiên giữa các ý. Đừng lý thuyết nhiều quá. Có nhiều phép lập luận (quy nạp, diễn dịch, phân tích - tổng hợp, so sánh . . .). Tuy nhiên bạn nên tránh: + Chưa định nghĩa rõ ràng đã lập luận. + Định nghĩa sai. + Lấy một trường hợp cá biệt để khái quát thành cái phổ biến. + Nhầm lẫn nguyên nhân với kết quả, nguyên nhân với điều kiện, nguyên nhân và nguyên cớ, khả năng và hiện thực, bản chất và hiện tượng, nội dung với hình thức, cái tất nhiên với cái ngẫu nhiên . . . + Vướng vào vòng luẩn, tự mâu thuẩn với chính mình. Có nhiều cách phản bác ý kiến của người khác để bênh vực cho quan niệm của bạn: + Tìm ra mâu thuẩn trong cách lập luận của họ. + Đưa ra những tài liệu thực tiễn để chứng minh tính sai lầm trong quan niệm của họ (vì thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý), hoặc chỉ ra tính không đáng tin của những tư liệu mà họ dùng. + Chỉ ra tính chủ quan, phiến diện trong quan niệm của họ. Nếu đó là những thành kiến, định kiến thì cách tốt nhất là sử dụng các "phản ví dụ" để bác bỏ. + Đối với những lời lẽ mỉa mai, châm chọc thì tốt nhất là nên làm và tiếp tục trình bày vấn đề của mình. Qui tắc 6: Không nên coi thường đoạn kết. Nên viết trước và học thuộc lòng 2, 3 lối kết cấu để tùy cảm xúc tâm lý của người nghe mà dùng cho thích hợp. Những lối kết thông dụng: + Tóm tắt ý trong bài nói chuyện, gọn nhưng không thiếu. + Kết thông qua những lời khuyên mang tính tâm lý, bằng triết lý của cuộc sống đời thường, dễ gây ấn tượng. + Khuyến khích người nghe hành động. + Đặt một vài câu hỏi, nêu một số vấn đề để người nghe tiếp tục suy nghĩ, tự tìm câu trả lời. Qui tắc 7: Ý tứ rõ ràng, lời lẽ khúc chiết là tiền đề của thành công. Muốn cho ý tứ được rõ ràng, sáng rõ bạn phải: + Thấu hiểu vấn đề. + Không bao giờ xa đề. + Biết tự kiềm chế, chỉ nói những điều quan trọng nhất. + Không lý thuyết viển vông mà nên đưa ra nhiều ví dụ, nhiều chứng cớ để minh họa. + Tránh thói mơ hồ. Muốn cho lời lẽ được khúc chiết, bạn phải: + Không dùng những câu dài quá. + Không dùng những điển tích mà nhiều người chưa quen. + Tránh dùng danh từ chuyên môn qúa hẹp và những từ mới chưa thông dụng. Nếu bắt buộc phải dùng các loại từ trên thì nên giảng cho ngươì nghe hiểu nghĩa. + Giản dị và tự nhiên trong lời nói (không cầu kỳ, hoa mỹ, song cũng không được thô lỗ). + Không dùng những câu tối nghĩa như: "Tôi cần nó hơn anh". Chỉ khi nào người nghe "trông thấy" được những ý của bạn thì mới hiểu ró được ý ấy. Muốn vậy bạn phải: + Thường xuyên so sánh, đối chiếu, ví von. + Dùng nhiều hình ảnh. + Dùng sơ đồ, bảng thống kê, hình vẽ (nếu có thể được). Lựa chọn cách lập luận và diễn giải phù hợp với trình độ hiểu biết của số đông người nghe. Nếu có thể được thì tập trình bày trước cho các bạn thân, bạn đồng nghiệp để họ góp ý kiến cho những câu, những đọan cần sửa. Qui tắc 8: Khắc sâu những ấn tượng khó quên vào đầu óc, tâm trí người nghe. Trình bày rõ ràng, sáng rõ một chân lí chưa đủ, phải làm cho bài nói chuyện của mình thực sự thú vị, hấp dẫn, kích thích người nghe. Muốn vậy bạn nên theo các cách dưới đây: Kể một chuyện lạ (mẫu chuyện vui) có liên hệ với đời sống hàng ngày của người nghe, gắn chặt vơí đề tài. Dùng càng nhiều hình ảnh càng tốt. Làm cho các con số trở nên "biết nói", đổi những con số thành những vật có thể thấy được. Nêu ra dồn dập các sự kiện hay dồn dập các câu hỏi. Khéo dẫn lời các danh nhân (đưa vào những chỗ thích hợp để có thêm sức nặng cho lập luận). Tuỳ trường hợp mà áp dụng: khen trước chê sau (nếu muốn chê), chê trước khen sau nếu muốn khen. Có khi chê để mà khen và khen để mà chê. Khi cần thiết có thể dùng cách nói cực đoan hóa, tuyệt đối hoá. Để tập trung sự chú ý, có thể dùng cách nói lửng (ở những chổ mà dường như độc giả có thể đoán được ý tiếp theo). Tóm lại, sự bất thường luôn luôn được ngưới nghe chú ý tới. Tạo ra tình huống bình thường nhưng nêu cách giải quyết bất thường cũng là cách thu phục nhân tâm tốt nhất. Qui tắc 9: Nắm vững tâm lý người khác. Bạn phải chú ý đến đặc điểm tâm lý từng đối tượng. Thanh niên học sinh sinh viên đầy mơ mộng, sách vở nhưng cũng rất thực tế đầy năng động, ham hiểu biết, muốn tự khẳng định mình không thích trịnh trọng, dài dòng, vì vậy bài nói chuyện cần dí dỏm súc tích đi sâu vào đời sống của họ. Qui tắc 10: Hướng người nghe tới hành động thực tế. Mục đích cao nhất trong cuộc sống con người không phải là sự hiểu biết mà là sự hành động. Muốn vậy phải làm cho người nghe hiểu bạn và tin bạn. + Trước hết cần hướng người nghe tới cái Thật cái Tốt, cái Đẹp; căm ghét cái Giả, cái Xấu, cái Ác. + Đừng để cho người nghe phải mất thì giờ vì những lý thuyết viễn vông xa thực tế. + Bản thân mình phải thực sự tin vào những điều mình sẽ nói cho người khác. Lòng thành thật là khởi điểm của niềm tin. + Tự đặt mình vào vị trí người nghe họ sẽ có thiện cảm hơn với bạn. + Khiêm tốn cũng là đức tính quan trọng nhất, từ đó có thể thu phục người nghe. Là học sinh, sinh viên ai cũng ước mơ, khao khát phấn đấu để học tập và rèn luyện tốt, ham học hỏi những điều mới lạ và quan tâm tới tương lai sau này. Trong bài nói chuyện của mình, bạn nên chỉ cho người ta thấy nếu hành động đúng thì sẽ có được các lợi ích đó . Quy tắc 11: Phải làm cho vốn từ của bạn thật phong phú, cần thuộc nhiều danh ngôn và thành ngữ, tục ngữ, đến mức khi cần ta có thể huy động được ngay, lời lẽ trong sáng. Sưu tầm các từ đồng nghĩa, phản nghĩa . Sưu tầm các danh ngôn cho từng lĩnh vực . Chọn lọc các thành ngữ, tục ngữ ngắn gọn (" Không thầy đố mày làm nên", "Học thầy không tày học bạn", "Đi một ngày đàng học một sàng khôn"...). Học ở các diễn giả có tài, các nhà hùng biện nổi tiếng. Hết sức tránh các lỗi thông thường: nói ngọng, nói lắp, nói những câu vô nghĩa, không hiểu rõ nghĩa của từ cũng dùng, nêu không đúng chổ, hành văn theo tư duy ngôn ngữ nước ngoài, thêm những trợ từ vào đầu mỗi câu ("tức là ", "nói chung".. .). Quy tắc 12: Những việc cần làm khi bước lên diễn đàn. Mỉm cười, bước khoan thai, đầu hơi ngửng lên, ngực hướng về phía trước . Nếu còn hồi hộp thì thở mạnh, đưa mắt tìm người quen trong phòng . Tránh nói đều đều, cần lúc mạnh, lúc nhẹ, lúc nhanh, lúc chậm. Nghỉ một chút, trước và sau các ý quan trọng . Phải nhìn thẳng vào người nghe để nói với họ, tránh nhìn xuống nền, nhìn lên trần nhà hoặc nhìn ra cửa... Khi thấy có người buồn ngủ, bạn phải nói to hơn, hăng hái hơn và nên xen vào một vài chuyện vui . Điệu bộ phải tự nhiên, không nên bắt chước ai. Vấn đề điệu bộ thế nào là tùy thuộc vào cảm xúc của bạn (vui, buồn, giận...). Bỏ những tật xấu: mân mê cúc áo, đưa tay gãi đầu, xỏ tay vào túi quần, sửa kính . Đừng tỏ ra rụt rè, có thể vung tay hợp lý, có thể ngồi nếu thấy mỏi. . . Tâm đắc với đề tài đã chọn, tôn trọng người nghe và nêu đúng tâm lý trẻ trung ham hiểu biết, nhạy cảm... của các bạn học sinh, sinh viên, đó là tiền đề của thành công

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2009

Làm thế nào điều khiển cuộc họp

Bước 1: Ấn định mục tiêu

Cuộc họp có mục tiêu rõ ràng mới khuyến khích người ta tham dự bởi vì họ cần phải biết nó nhắm đến vấn đề gì. Mục tiêu đó cũng sẽ giúp cuộc họp tập trung vào trọng điểm. Thông thường hội họp có một hoặc hai mục tiêu: để thông báo hoặc quyết định một vấn đề nào đó. “ Thảo luận” không phải là mục tiêu hội họp. Chẳng hạn, “Để quyết định việc định vị quảng cáo thương mại cho sê-ri 2000” là một mục tiêu thiết thực của cuộc họp. Nó xác định trọng tâm và công bố rõ ràng mục đích của cuộc họp, trong khi đó nếu mục tiêu là “Để thảo luận việc tiếp thị sê-ri 2000” lại nghe có vẻ rất mơ hồ và có thể đưa mọi người đến chỗ thảo luận một cách tản mạn thay vì phải đưa ra hành động cụ thể.

Bước 2: Tập trung nguời tham dự

Hãy lập danh sách những người tham dự buổi họp, và cân nhắc xem mỗi người có cần tham dự từ đầu tới cuối buổi họp hay không (có thể họ tham gia qua hình thức điện thoại kết nối hay chỉ cần họ ở một chủ đề nhất định). Hãy nhớ rằng, nếu bạn làm mất thời gian của nguời khác, họ sẽ không muốn dự cuộc họp lần này và cả những lần sau, nếu bạn là người chủ trì. Hãy xác định một cách dứt khoát về thời gian tiến hành cuộc họp. Bạn cần phải tôn trọng lịch làm việc của những người tham dự, và tạo sự thoải mái để họ có thể sắp xếp thời gian dự họp bằng cách nói rằng: “Vui lòng lên kế hoạch dể tham dự và xin báo cho tôi biết nếu không thể thu xếp được”. Hãy luôn phổ biến cho mọi người mục tiêu của buổi họp, thời gian bắt đầu và kết thúc, đồng thời nhấn mạnh rằng buổi họp sẽ được bắt đầu đúng giờ.

Bước 3: Lập chương trình buổi họp

Chương trình họp là một danh mục các công việc chính cần xem xét để đạt được mục tiêu của cuộc họp, là cái mà bạn sử dụng cho chính mình hoặc phân phát cho tất cả những người dự họp. Việc phân phối chương trình họp có hai mặt: điểm mạnh là nó cung cấp những nội dung để mọi người theo sát buổi họp, nhưng điểm yếu là nó có thể làm cho những người tham dự bị rối và bị lôi cuốn sang những vấn đề mà bạn chưa sẵn sàng trình bày trong buổi họp. Chẳng hạn, nếu hạng mục thứ năm của dự án là vấn đề kỹ thuật, các kỹ sư dự họp có thể muốn đi ngay vào mục đó. Nếu bạn cần giải quyết những vấn đề khác trước thì chính bạn phải bám chặt lấy chương trình đã ấn định. Nếu bạn đang điều khiển một cuộc họp về tiến độ của dự án, bạn có thể sử dụng kế hoạch thời gian thực hiện của dự án đó làm chương trình họp.

Nếu bạn quyết định phân phát chương trình họp cho mọi người tham dự, hãy bảo đảm tuyên bố mục tiêu và thời gian họp ở đầu trang. Tất cả mọi vấn đề cần phải được đánh dấu đề mục đầu dòng. Bảo đảm mọi nguời đều nhận được chương trình họp, và nên có một số bản photo dự phòng.

Bước 4: Kiểm soát cuộc họp

Khi cuộc họp bắt đầu, bạn có trách nhiệm bảo đảm nó được tiến hành trôi chảy và đi đúng trọng tâm. Sau đây là một số lời khuyên để giúp bạn làm được điều này:

  • Bắt đầu đúng giờ, dù cho có một số người đến trễ. Nếu cứ chờ cho đến khi người cuối cùng có mặt tức là bạn đã vô tình tập cho mọi người thói quen đi trễ.
  • Tóm tắt ngắn gọn mục tiêu của cuộc họp.
  • Nếu không phân phát chương trình họp thì phải đảm bảo mọi người nắm được nội dung họp để đạt được mục tiêu đã đề ra.
  • Nếu buổi họp kéo dài mà vẫn không đưa ra được quyết định nào, bạn cần phải ngăn không để mọi người tiếp tục thảo luận, có thể bằng cách nói rằng: “Do phải tuân thủ kế hoạch thời gian của dự án, chúng ta phải đưa ra quyết định”.
  • Nếu còn điều gì đó chưa đưa ra giải pháp được trong cuộc họp, phải xác định cần phải làm gì để giải quyết vấn đề đó trong tương lai và bổ sung vào kế hoạch thời gian của dự án.
  • Kiểm soát : Bạn phả tỏ ra kiên định trong trường hợp những người dự họp đi trệch khỏi vấn đề đang triển khai trong buổi họp và đề nghị sẽ thảo luận trong một cuộc họp khác.
  • Xếp lich cho cuộc họp tiếp theo vào cuối buổi họp hiện tại.
  • Nếu là người triệu tập cuộc họp, bạn còn có trách nhiệm phải lập biên bản hoặc chỉ định người lập biên bản.

Bước 5: Những công việc tiếp theo

Khi cuộc họp đã kết thúc, bạn vẫn còn phải làm một số việc khác. Hãy hệ thống và tóm tắt lại các ghi chú về diễn tiến của cuộc họp, những vấn đề đã được giải quyết, những việc cần làm đối với những vấn đề cần đi sâu phân tích thêm. Bản tóm tắt này được lập trên cơ sở các thông tin từ biên bản họp. Không nên trình bày quá dài dòng- tốt nhất là một số điểm ở các dấu đầu dòng. Hãy đảm bảo rằng phải gửi lời cám ơn những người đã tham dự cuộc họp. Chắc chắn mọi người sẽ hài lòng khi họ được đánh giá cao việc đã dành thời gian dự họp. Hãy cập nhật kế hoạch thời gian của dự án dựa vào các báo cáo tiến độ thực hiện công việc tại cuộc họp, trong đó cần đảm bảo việc ấn định thời gian cho cuộc họp tiếp theo, kèm theo những yêu cầu cấn phải đạt được.

Phổ biến kế hoạch thời gian công việc đã được cập nhật cho mọi người đã tham dự cuộc họp.