Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2009

PHONG TỤC NGÀY TẾT CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Trong làn nắng ửng khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý--Bóng xuân sang.

Trích "Mùa Xuân Chín," thơ Hàn Mặc Tư

Ít nắng mới, ít gió mới. Thế là đủ để báo hiệu một mùa xuân mới. Nhưng dù mới thế nào đi nữa, mùa xuân chỉ nằm trong chu kỳ luẩn quẩn bốn mùa của Tạo Hóa. Cũng như thơ họ Hàn làm đã lâu mà đọc lại cứ tưởng như mới làm xong đêm qua. Cách đón nàng Xuân cũng xưa lắm, có lẽ bắt nguồn từ ngàn năm trước trong cơn mưa phùn lất phất ở miền Bắc Việt Nam. Khi ấy, người Việt bắt đầu gọi những ngày đầu xuân là "Tết" (đọc trại ra từ chữ "tiết," tức là "mùa," hay hiểu rộng ra là "mùa hội"). Nhưng dù xưa thế nào đi nữa, phong tục ngày Tết vẫn phản ảnh những tính cách đặc thù của nền văn hóa Việt qua nhiều thế hệ. Tết là dịp để người ta biểu tỏ tình thương nhân loại, xum họp gia đình, thăm viếng thân nhân, và thờ phượng tổ tiên. Tết cũng là dịp nghỉ ngơi, chơi đùa để chuẩn bị làm việc hăng say hơn trong năm mới. Ngày xuân trên xứ người, ta hãy cùng ôn lại một vài nét tổng quát về những tập tục ngày Tết.



I. Đón Tết với Gia Đình
Như lễ Tạ Ơn và lễ Giáng Sinh của Tây phương, Tết là lúc gia đình góp mặt đông đủ. Con cái, cháu chắt đi làm, đi học ở xa đều được nghỉ phép về thăm nhà khoảng 23 tháng Chạp âm lịch. Tuy vậy, gia đình Việt Nam trung bình dành ra nửa tháng Chạp để chuẩn bị đón Tết cho chu đáo. Có rất nhiều việc để làm: nào thăm mồ mả tổ tiên, nào mua hoa, pháo, nhang, đèn, nào sắm sửa quần áo mới, nào gói bánh chưng, bánh dầy, nào quét dọn nhà cửa. Đến đêm 30 tháng Chạp, mọi việc mua sắm phải hoàn tất, bàn thờ tổ tiên phải được sắp đặt tươm tất, các món ăn phải làm xong, pháo phải sẵn sàng.
1. Đi thăm mộ tổ tiên
Từ ngày 23 cho đến chiều 30 tháng Chạp, con cháu trong gia tộc tề tựu đông đủ và cùng đi thăm và quét dọn mồ mã tổ tiên. Mỗi gia đình đều đem theo hương đèn, hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Khi chưa có nghĩa trang ở nông thôn Việt Nam, ít nhà có ruộng đất lớn để làm mộ phần tổ tiên, nên những điền chủ có nhiều ruộng đất trong làng cho mượn đất chôn nhờ. Vì thế, cuối năm, mỗi gia đình đi thăm mộ đều mang theo quà Tết để biếu điền chủ đã cho mình mượn đất hay người coi sóc nghĩa trang (nếu mộ phần đặt trong nghĩa trang).
2. Đưa Táo quân về trời
Sự tích Táo quân (gồm ba vị thần coi quản bếp núc, nhà cửa của mỗi gia đình) đại khái như sau: Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo nhưng ăn ở với nhau rất đằm thắm. Nhưng làm hoài mà vẫn chỉ đủ ăn, anh chồng quyết định đi xa một chuyến thử thời vận, mong làm giàu để chị vợ đỡ lam lũ. Không may, anh ra đi được ba năm vẫn chưa quay lại. Chị vợ chờ mãi, chắc là anh đã chết nên tái giá với một anh nhà giàu. Dù vậy, lòng chị vẫn vương vấn tình cảm cũ. Mọât hôm, gần ngày Tết (có lẽ nhằm ngày 23 tháng Chạp?), gia đình làm cỗ cúng tổ tiên rất lớn nên có mấy người đến ăn xin trước cửa. Khi chị vợ đưa thức ăn cho họ, chị bất chợt nhận ra một trong những người ăn xin là anh chồng cũ của chị. Anh chồng sau thấy vậy, vội cho là vợ mình không chung thủy, nên nặng lời với chị. Uất ức vì bị hiểu lầm, chị liền nhảy vào đống lửa đốt vàng mã cao ngun ngút ngoài sân, tự vẫn. Anh chồng cũ thương vợ, cũng nhảy theo vào đống lửa. Anh chồng mới ăn năn thì sự đã rồi, nên anh nhảy luôn vào đống lửa. Hồn ba người lên thượng giới chầu Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng cảm thương tình cảnh của ba người, bèn phái cả ba về hạ giới để coi sóc bếp lửa của mỗi gia đình và cuối năm về thượng giới tâu lại những chuyện tốt xấu xảy ra trong từng gia đình trong năm.
Trên đây chỉ là một trong những sự tích về Táo quân. Nói chung, câu chuyện được kể lại nhằm giải thích nguồn gốc tục đưa Táo quân về trời và răn dạy con người tự giữ gìn hạnh kiểm vì mọi việc làm của con người đều được trình báo với Ngọc Hoàng. Ngày 23 tháng Chạp, mỗi nhà đều làm cơm, cúng tiễn Táo quân về trời. Ngoài mâm cơm với các món ăn tươm tất (tùy gia đình giàu, nghèo), còn có mũ và áo mã (bằng giấy) để Táo quân mặc và một hoặc ba con cá chép thả trong chậu nước để Táo quân cưỡi về thiên đình.
3. Lễ rước vong linh ông ba
Chiều 30 tháng Chạp, các thức ăn và trái cây được xếp thành cỗ để dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên. Đây là dịp cả gia đình quây quần trước vong linh cửu huyền thất tổ, ôn lại những sự việc đã xảy ra trong năm để rút tỉa kinh nghiệm cho năm mới. Gia trưởng (người đứng đầu gia tộc, thường là người cao tuổi nhất) trịnh trọng thắp nén hương dâng lên bàn thờ, cầu xin tổ tiên chứng giám và phù hộ cho gia tộc được nhiều phước lành trong năm mới. Theo sau gia trưởng, mọi người trong nhà đều nghiêm trang chắp tay cung thỉnh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.
4. Đốt pháo
Đúng giao thừa (tức là thời điểm giao hòa giữa 12 giờ đêm 30 tháng Chạp của năm cũ với rạng sáng mùng Một của năm mới), nhà nhà nhất loạt châm ngòi đốt pháo. Pháo tiểu, pháo trung, pháo đại đồng thanh nổ đùng đùng, dòn dã, và mùi khói nồng khét của thuốc pháo quyện vào mùi nhang thoang thoảng trên bàn thờ thành một thứ mùi rất đặc biệt, rất Tết.
Ngày xưa, dưới thôn quê, người ta tin rằng tiếng pháo trừ khử được ma quỷ và mang lại hạnh phúc cho dân làng. Lâu rồi thành tục. Ngày nay, tuy chỉ còn một số người tin vào việc trừ khử tà ma kiểu này, nhà nào cũng đốt pháo từ đêm giao thừa sang sáng mùng Một, mùng Hai, mùng Ba để đón vong hồn tổ tiên về ăn Tết, đón khách tới chơi, và đón khí xuân vào nhà. Đôi khi, đến mùng Mười vẫn nghe tiếng pháo lách tách ở xóm trên xóm dưới. Tiếng nổ đì đùng, vui tai của pháo phản ảnh sự tưng bừng nhộn nhịp của ngày Tết, và người ta tin rằng màu hồng thắm của xác pháo tượng trưng cho những điều may mắn.
Tiếc thay, vài năm gần đây, chính quyền cộng sản Việt Nam đã ra lệnh cấm đốt pháo trong nước. Có lẽ những âm thanh râm ran, ấm áp của pháo chỉ còn văng vẳng tại các hội chợ xuân hải ngoại.
5. Xuất hành
Khi tiếng pháo đã ngớt đêm 30, mỗi gia đình thường cử một người xuất hành (tức là bước ra khỏi nhà) trong những giây phút mới mẻ ngày đầu năm. Xuất hành phải xem lịch (xin xem bài viết về Âm Lịch) để chọn hướng tốt, hạp với tuổi của mình (xin xem bài viết về Các Con Giáp), ngụ ý để mang đến điều may mắn mỗi khi bước chân ra khỏi nhà trong năm mới. Sau khi xuất hành xong, người ta có thể tự xông nhà.
6. Xông nhà (hay "xông đất")
Đầu năm, nhiều người Việt cho rằng người đầu tiên bước vào nhà mình sẽ đem đến vận hên, xui cho gia đình suốt cả năm. Vì thế, cứ mỗi đầu năm là chủ nhà nhờ người có vận may xông nhà dùm. Người may mắn là người làm ăn phát đạt trong năm, gia đình sung túc, hạnh phúc. Nếu không tìm ra người, đôi khi chủ nhà đi xông nhà cho chính họ. Khách đi xông nhà thường ăn mặc chỉnh tề, bước vào cửa chính gian nhà, rồi rảo một lượt quanh nhà, xuống tận bếp, cốt để mang vận may vào từng xó nhà.
7. Chúc thọ
Trong gia đình Việt Nam, người cao tuổi được kính trọng hơn hết vì có nhiều kinh nghiệm. Theo thiển ý người viết bài, sự kính trọng quý vị cao niên cho thấy một xã hội biết kiêng nể nguồn gốc và có tinh thần khiêm tốn, chịu khó học hỏi từ những người đi trước vì có ai từng trải bằng các vị ấy. Cho nên, sáng sớm mùng Một Tết là lúc con cháu trong gia tộc tỏ lòng hiếu thảo qua việc chúc tuổi ông bà, cha mẹ. Người Việt quan niệm rằng cứ mỗi độ xuân về là mọi người đều thêm một tuổi, bất kể sanh nhằm ngày nào trong năm.
8. Lì xì
Chữ "lì xì" được phiên âm từ tiếng Quảng Đông sang tiếng Việt, nguyên là chữ "lợi thị" (tiền bạc, lợi lộc) trong Hán tự. Để mừng tuổi các em, những người lớn trong gia đình, họ hàng, bạn bè của cha mẹ tặng các em những món tiền nho nhỏ (lì xì) và chúc các em chóng lớn, học hành đỗ đạt, v. v. Những món tiền này được cho vào phong bao màu đỏ trơn hoặc có hoa văn vàng. Cũng như màu hồng thắm, màu đỏ hoặc các màu có sắc đỏ được tin là tượng trưng cho sự may mắn. Thưở trước, sau khi nhận những lời chúc thọ, các vị cao niên trong gia đình lì xì tất cả con cháu bất kể tuổi tác với những món tiền nho nhỏ, vừa bạc lẻ vừa tiền chẵn, ngụ ý chúc con cháu làm ăn phát đạt, tiền bạc sinh sôi nảy nở trong năm mới.
9. Thăm viếng
Sau khi xông nhà xong, chủ nhà bắt đầu tiếp đón bạn bè, thân quyến đến thăm, và cũng đi thăm trả lễ. Thông thường, mùng Một được dành để chúc thọ các bậc trưởng thượng trong gia tộc, thăm hỏi họ hàng. Mùng Hai được dành để các trò đến viếng và tạ ơn thầy cô giáo đã tận tình dạy dỗ mình trong năm qua, nêu cao truyền thống "tôn sư trọng đạo" của học sinh Việt Nam. Mùng Ba là ngày thăm hỏi, vui chơi với bè bạn.
10. Kiêng cữ
thiếu trong mỗi dịp lễ hội Việt Nam. Ở miền Bắc, hoa đào nở rộ mỗi dịp xuân về. Ở miền Nam, hoa mai cũng đua sắc. Vì thế, mai và đào là hai loại hoa đặc trưng cho ngày Tết.
Hoa mai trưng vào dịp Tết là giống mai vàng, trổ thành từng khóm nhỏ trên cành cây mong manh cạnh những lộc non mơn mởn. Hoa đào màu hồng, cũng trổ thành khóm, thuộc giống bích đào (chỉ có hoa, không đậu quả) mới quý. Nhiều gia đình tin rằng những cành mai, đào nở rộ tươi tốt vào sáng mùng Một Tết sẽ đem lại sự thịnh vượng cho cả năm.
IV. Nhi Đồng Chơi Xuân
Các cụ cao niên, các bậc trung niên, các anh thanh niên, và các cô thiếu nữ đều có những trò chơi ngày xuân. Lẽ tất nhiên, các em nhi đồng cũng ríu rít vui đùa cùng chúng bạn, khoe nhau quần áo mới, phong bao lì xì, và dắt tay nhau tung tăng khắp làng khắp phố.
1. Múa lân
Hễ nơi nào có tiếng trống "tùng dinh cắc tùng dinh" là mọi người từ cụ già đến em bé còn ẵm ngửa đổ xô ra xem. Nhanh chân nhất là các em nhi đồng, lúc nào cũng đứng hàng đầu, sát bên người đánh trống. Đoàn múa lân rất nhộn nhịp và đủ màu sắc, trông thật vui mắt. Đi đầu là ông địa, đeo mặt nạ, bụng tròn, phe phẩy chiếc quạt. Theo sau là mấy con lân, mỗi con do hai người múa; một người cầm đầu lân, người kia đỡ chiếc đuôi vải sặc sỡ. Hai người phối hợp nhịp nhàng, đưa con lân đi những nét khỏe mạnh, hùng dũng theo điệu trống.
Lân, nói tắt của "kỳ lân," là một trong bốn con vật huyền thoại: Long (rồng, được xem là cao quý nhất trong các loài vật), Ly hay Lân (loại thú đầu sư tử, mình ngựa), Quy (rùa, loại bò sát, được xem là sống thọ nhất), và Phượng (loại chim tưởng tượng, được xem là chúa các loài chim). Lân tượng trưng cho sức khỏe vô địch.
2. Súc sắc súc se
Đây là một trò chơi hàng năm của những trẻ em con nhà nghèo ở nông thôn miền Bắc Việt Nam, tương tự như trò trick-or-treat trong lễ Haloween của Hoa Kỳ. Đêm 30 tháng Chạp, trước giao thừa, các em kéo nhau thành từng đoàn rảo quanh làng và đến những gia đình nhà giàu để xin tiền thay vì xin kẹo như lễ Haloween. Em đi đầu cầm một cái lon hoặc ống tre, vừa đi vừa gõ. Các em nối đuôi theo sau cùng hát bài đồng dao:
Nhà nào, nhà này, Còn đèn, còn lửa, Mở cửa cho anh em chúng tôi vào. Bước lên giường cao, Thấy đôi rồng ấp. Bước xuống giường thấp, Thấy đôi rồng chầu. Bước ra đằng sau, Thấy nhà ngói lợp. Voi ông còn buộc, Ngựa ông còn cầm. Ông sống một trăm, Thêm năm tuổi lẻ. Vợ ông sinh đẻ Những con tốt lành, Những con như tranh, Những con như rối.
Bài đồng dao có ý khen chủ nhà là người quý phái (ví như rồng nằm trên giường cao), lại có nhiều của cải (nhà ngói lợp, voi, ngựa). Sau có ý chúc chủ nhà sống thọ (đến một trăm lẻ năm tuổi), vợ sanh cho nhiều con xinh đẹp (như tranh vẽ) và bụ bẫm (như con rối) để nối dõi. Với những lời chúc tốt đẹp như thế, ông bà chủ giàu có nào mà lại hẹp lượng với các em bao giờ!
Đã hai mươi hai năm qua, cái bức họa nàng Xuân gợi tình, gợi cảm của Hàn Mặc Tử hẳn chưa nhạt trong tâm trí người Việt đón xuân trên khắp hoàn cầu. Tuy những lễ nghi, phong tục để đón rước nàng Xuân có phần đơn giản hơn, gia đình Việt Nam tại hải ngoại vẫn không quên "ăn Tết" và dạy dỗ con cháu về những phong tục cổ truyền. Những lời giáo huấn ấy chính là một mùa xuân vậy.


  • Tài Liệu Tham Khảo
    Mai Phương. "The Meaning of Tet." Non Sông. Jan/Feb 1996: 16-20.
    Phan Kế Bính. Việt Nam Phong Tục. Fort Smith, Arizona: NXB Sống Mới. 1983.
    Sweeny, Jim. "Tet Paintings." Destination: Vietnam. Jan/Feb 1996.
    Toan Ánh. Hội Hè Đình Đám, Quyển Hạ. 1974.
    "Những Phong Tục Tết." Non Sông. Jan/Feb 1997: 26-30.
    "The Customs of Tết." Non Sông. Jan/Feb 1997: 31-35.
  • Vì sao có tục kiêng hót rác đổ đi trong ba ngày Tết:
    Trong "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thuỷ thần cho một con hầu tên là Như Nguyên, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, nhân ngày mùng Một Tết, Âu Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó kiêng không hót rác ngày Tết.
  • Tại sao phải thức qua đêm Giao thừa?
    Theo truyền thuyết, ngày xưa, tổ tiên của con người thường bị một loài dã thú cực kì hung ác và dũng mãnh, có tên là “niên”, uy hiếp. Loài “niên” này hết sức hung dữ, nó ăn thịt tất cả các loài thú vật khác. Nhưng cứ đến giữa mùa đông, thời tiết trên núi giá lạnh làm cho nó khó tìm được thứ gì để ăn, nên nó xuống núi hoành hành quấy nhiễu, săn bắt người và gia súc, làm dân chúng hết sức hoảng sợ.
    Về sau, người ta phát hiện ra rằng loài “niên” này rất sợ ánh lửa và tiếng động. Vì thế người ta bắt đầu đốt lửa, khua chiêng đánh trống và đốt pháo suốt đêm để xua đuổi những con “niên” ấy trở về rừng và chết đói trong thời tiết giá lạnh. Để kỉ niệm thắng lợi ấy, phong tục thức qua đêm giao thừa hình thành.
    Ngày nay, hình ảnh cả gia đình đoàn tụ và trò chuyện chờ đón giao thừa đã trở thành một hình ảnh văn hóa truyền thống đặc trưng của Tết Nguyên đán.

Không có nhận xét nào: